Mất nhiều tiền để sắm đồ dùng học tập cho con đầu năm học nhưng chẳng được bao lâu, phụ huynh lại phải “than trời” vì con suốt ngày đánh mất đồ dùng học tập, kể cả món đồ có giá trị lớn như quần áo đồng phục.
Bực mình vì cứ đi học là con mất đồ dùng
Năm học mới bên cạnh nỗi lo về các khoản đóng góp, các bậc phụ huynh còn căng thẳng chỉ vì chuyện con liên tiếp làm mất đồ dùng học tập.
Đồ dùng học tập tuy nhỏ nhưng xảy ra liên tục, phụ huynh phải sắm nhiều lần, trong đó có những món đồ đắt tiền như áo đồng phục, bút chì xịn...nên ảnh hưởng không nhỏ đến chuyện chi tiêu trong gia đình.
Có con mới vào lớp 1, chị Thanh Nga (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) đã dành một khoản tiền kha khá cho việc mua đồ dùng học tập, sách vở năm học mới của con.
Biết trẻ mới đi học sẽ dễ đánh mất đồ nên trước khi con đi học, chị đã nhỏ nhẹ phân tích, hướng dẫn con phải giữ gìn đồ dùng, sách vở.
“Ngày nào con đi học về cũng mang một cục tức cho mẹ. Mẹ luôn miệng nhắc dùng xong cái nào là cất vào hộp bút ngay, cuối buổi từ từ cất sách vở, kiểm tra xem quên gì không mà cứ đi học về là con bảo mất bút viết, thước kẻ, có hôm đánh mất cả áo khoác. Hỏi con trả lời “không biết”. Bực không thể chịu được!”, chị Nga bức xúc.
Không ít lần chị đã mất bình tĩnh, quát, đánh con chỉ vì thói đãng trí đánh mất đồ dùng học tập liên tục.
Dù biết việc mất đồ dùng thường xuyên xảy ra với các bạn nhỏ mới vào lớp 1 nhưng tiền sắm đồ dùng là không nhỏ, kéo dài tình trạng mất đồ là không ổn, sát phạt vào kinh tế nên chị Nga muốn uốn nắn để con biết quý trọng những thứ đồ dùng nhỏ nhất.
Bí quyết đưa con vào khuôn khổ
Chị Nguyễn Thuý (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) lại dùng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”.
Con lớn nhà chị Thúy khi đi học cấp 1 bị mất bút liên tục mà toàn bút chì đắt, sau chị nghĩ ra cách cắt đôi cái bút chì, mỗi lần mất cùng lắm chỉ mất 1/2 chiếc. Suốt cả cấp 1, con bị mất áo đồng phục, áo khoác vì đùa nghịch, nóng cởi ra lại quên mất.
“Ngày cu con nhà mình đi học lớp 1, để con không làm mất đồ dùng mình bảo con là nếu mất đồ là phải mất tiền mua lại, mẹ sẽ hết tiền, nhà mình sẽ bị nghèo. Không ngờ khá hiệu nghiệm. Mình cũng không mắng con vì biết tính con hay quên.
Có hôm chiều đón, con nhễ nhãi mồ hôi hỏi sao con không cởi áo khoác, con bảo mặc nóng tí, nhưng không bị mất mẹ ạ. Dù xót tiền mua sắm đồ dùng học tập nhưng mình nghĩ cứ dần dần con sẽ khắc phục nhược điểm”, chị Thúy kể.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như thế. Nhiều phụ huynh đã phải dùng “biện pháp mạnh”. Chị Bùi Thùy Linh, một dân văn phòng tại khu vực Quận Đống Đa, Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Đứa lớn nhà chị dù học hết lớp 3 vẫn thường xuyên mất đồ dùng học tập. Năm nay, cậu nhóc Rồng vàng vào lớp 1 cũng mất bút chì liên tục. Trong khi đó, bút chì chị mua cho con toàn loại xịn vài chục ngàn đồng mỗi chiếc.
“Không hiểu sao các phụ huynh khác về kiểm tra đồ dùng của con hàng ngày, thấy thừa mà không ý kiến gì? Bọn trẻ còn nhỏ, nhiều khi con thấy đồ của bạn hay hay cũng lấy chứ không phải vì thiếu thốn. Nếu người lớn không có biện pháp ngăn ngừa kịp thời sẽ dần đến thành thói quen tắt mắt, cầm nhầm đồ của người khác”, chị Linh bày tỏ.
Chị Bùi Thị Dịu (Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã in sticker dán vào bút, tẩy, thước cho con để tránh việc bị bạn lấy mất đồ. Để tiết kiệm, chị Dịu đang rủ các mẹ cùng gom in chung sticker cho rẻ.
“Mình mua cả tá bút thước tẩy thủ sẵn và dán sẵn tên con vào đó. Bên cạnh đó, mình nghĩ các mẹ nên tìm hiểu, điều tra xem con mất do cẩu thả hay có bạn nào đó trấn, theo kiểu bắt cống nạp. Đừng ngày nào cũng tức, đánh mắng khổ con tội mẹ”, chị Dịu nói.
BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP
- Trưởng Ban Biên tập: Ông Đinh Văn Hiệp
- Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn An
- Phụ trách Truyền thông: BTV An Bình
- Hotline: 0936.393.949 - 0923.409.779
- Phụ trách kỹ thuật: Thạc sĩ Quốc Trường
- Giấy phép số 36/GP-TTĐT do Sở TT&TT TP.Hồ Chí Minh cấp.