Tiêu dùng "mùa Covid-19": An toàn khi tiếp nhận, sử dụng thông tin

An Bình

(Ngaymoi24h.vn) - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo một số dấu hiệu lừa đảo và hướng dẫn một số lưu ý để để người tiêu dùng chủ động bảo vệ bản thân khi tiếp nhận và sử dụng thông tin được cung cấp trong thời kỳ Covid-19

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp, khó khăn của đại dịch Covid-19, nhiều hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đã được ghi nhận, trong đó nổi cộm là các vấn đề liên quan đến cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác nhằm lừa dối, gây nhầm lẫn, thậm chí là hành vi cố ý lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng cả về tài chính và tinh thần.

 

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo một số dấu hiệu lừa đảo và hướng dẫn một số lưu ý để để người tiêu dùng chủ động bảo vệ bản thân khi tiếp nhận và sử dụng thông tin được cung cấp trong thời kỳ Covid-19, cụ thể:

1. Hành vi gọi điện, nhắn tin lừa đảo

1.1. Dấu hiệu nhận biết

Đối tượng liên hệ qua điện thoại với người tiêu dùng, mạo danh là cán bộ của các tổ chức, cơ quan như: ngân hàng, tòa án, công an giao thông, nhân viên điện lực, nhân viên công ty viễn thông, siêu thị điện máy…để thông báo cho người tiêu dùng các nội dung liên quan, đồng thời, đề nghị người tiêu dùng phối hợp thực hiện một số hoạt động, trong đó, đặc biệt cần lưu ý đối với đề nghị như sau:

- Tiếp tục ấn phím lẻ để nói chuyện với cán bộ liên quan khác;

- Truy cập link theo hướng dẫn để cung cấp một số thông tin;

- Đề nghị cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu;

- Đề nghị chuyển một khoản tiền để phục vụ công tác xác minh, điều tra;

- Đề nghị nộp tiền phí để xử lý hồ sơ hành chính;

- Đề nghị nộp tiền để được tham gia chương trình ưu đãi mở thẻ/khoản vay của ngân hàng, đổi sim, nhận quà khuyến mại…

Cần lưu ý:

- Các đối tượng có thể làm giả, mạo danh thương hiệu của ngân hàng khi nhắn tin, khiến cho người tiêu dùng hiểu nhầm đây là tin nhắn được gửi từ ngân hàng.

- Các đối tượng có thể cung cấp một cách chính xác các thông tin cá nhân của người tiêu dùng như họ tên, địa chỉ, số chứng minh thư, hoạt động mua sắm, chi tiêu…khiến cho người tiêu dùng tin tưởng đây là nhân viên của tổ chức, cơ quan chính thống.

-  Các đối tượng có thể hoạt động theo nhóm gồm nhiều người nhằm dẫn dắt, gây tâm lý hoang mang, khiến cho người tiêu dùng dễ bị lừa đảo.

1.2. Khuyến cáo người tiêu dùng

Đối với các tin nhắn, cuộc gọi có một trong các dấu hiệu trên, người tiêu dùng cần đặc biệt cẩn trọng và chủ động, tỉnh táo thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng tránh nguy cơ lừa đảo, cụ thể:

- Cần ghi nhớ: các cơ quan, tổ chức nêu trên không yêu cầu người tiêu dùng cung cấp các thông tin bảo mật như tài khoản, mật khẩu, mã bảo mật…trong bất kỳ trường hợp nào.

- Không cung cấp thông tin bảo mật như tài khoản, mật khẩu, mã bảo mật, số thẻ ngân hàng… dưới bất cứ hình thức nào hoặc cho bất cứ đối tượng nào.

- Cẩn trọng với các thông tin đề nghị nộp tiền, chuyển tiền, phối hợp xác minh các thông tin.

- Không truy cập vào các đường link được gửi, nên chủ động nhập tay các địa chỉ website của các cơ quan, tổ chức để kiểm tra, đối chiếu thông tin. Trường hợp nhận được đường link, tài liệu điện tử của bạn bè, người thân, nếu không có chú thích rõ ràng của người gửi thì nên liên hệ với người gửi để xác minh tính chính xác trước khi mở đường link hoặc tài liệu.

- Không liên hệ theo các số điện thoại do đối tượng cung cấp. Tự mình kiểm tra các thông tin của các cơ quan, tổ chức được nhắc đến trong tin nhắn, cuộc gọi để tự liên hệ kiểm tra, xác minh thông tin trước khi thực hiện bất cứ đề nghị nào của cơ quan, tổ chức.

 

2. Hành vi chuyển tiền nhầm

2.1. Dấu hiệu nhận biết

Tài khoản ngân hàng nhận được khoản tiền chuyển đến mà không có lý do. Sau đó, có đối tượng liên hệ để thông báo các nội dung, như:

- Thông báo đã giải ngân khoản vay và người tiêu dùng đã nhận khoản nợ của bên cho vay.

- Thông báo chuyển tiền nhầm và đề nghị chuyển lại khoản tiền.

2.2. Khuyến cáo người tiêu dùng

Trường hợp không xác định được nguồn gốc, tính chính xác của khoản tiền nhận, người tiêu dùng cần:

- Không thực hiện yêu cầu của đối tượng liên hệ;

- Chủ động và tự mình phản ánh, liên hệ tới ngân hàng, cơ quan công an để thực hiện thủ tục xử lý khoản tiền chuyển nhầm. Tuyệt đối không sử dụng khoản tiền được chuyển nhầm.

3. Hành vi yêu cầu chia sẻ thông tin không trung thực, chưa được kiểm chứng

3.1. Dấu hiệu lưu ý

Hiện nay, có rất nhiều các tin nhắn, email và bài đăng trên các trang mạng xã hội có các thông tin giả mạo liên quan đến dịch bệnh Covid-19 (bán vắc – xin, cung cấp suất tiêm vắc-xin, kêu gọi quyên góp cho các quỹ vắc-xin, bệnh nhân Covid-19, những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh …); các nội dung liên quan đến sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hay quảng cáo sai sự thật hay các vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Đối tượng đưa các thông tin nêu trên có xu hướng kêu gọi, đề nghị mọi người chia sẻ rộng rãi thông tin để tăng tính hiệu quả lan tỏa và góp phần chung tay bảo vệ cộng đồng trong thời kỳ Covid-19.

Việc chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội mà trong thời kỳ Covid-19, một số hành vi lan truyền thông tin không phù hợp có thể bị xem xét xử lý vi phạm từ các cơ quan nhà nước.

3.2. Khuyến cáo người tiêu dùng

- Tìm hiểu kỹ các thông tin được tiếp nhận trước khi đưa ra nhận định, quan điểm cá nhân hay chia sẻ đến cộng đồng. Cảnh giác cao độ trước tất cả các thông tin trên mạng xã hội, các thông tin từ các trang tin không chính thống của chính phủ và tổ chức quốc tế. Hình ảnh, video hoàn toàn có thể làm giả nên người tiêu dùng cần bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin, khi chưa xác thực được đúng hay sai thì không nên đưa ra quan điểm chủ quan của bản thân hoặc chia sẻ cho người thân, bạn bè.

- Cảnh giác trước các bài đăng liên quan đến các vấn đề nhạy cảm của xã hội. Các thông tin xấu thường được kẻ gian lợi dụng để xuyên tạc khéo léo nhằm gây bức xúc trong cộng đồng, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác để không bị lôi kéo, lợi dụng.

- Cập nhật thông tin từ các kênh thông tin truyền thông chính thống của chính phủ.

Nhằm góp phần phòng chống các hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, khi phát hiện các vụ việc, đối tượng có dấu hiệu thực hiện các hành vi nêu trên, người tiêu dùng nên:

- Chia sẻ thông tin vụ việc để người thân, bạn bè, đồng nghiệp biết và chủ động phòng tránh.

- Phản ánh, khiếu nai tới cơ quan quản lý nhà nước như cơ quan công an hoặc cơ quan về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được tư vấn, hướng dẫn cách thức bảo vệ quyền lợi.

Nguồn: Phòng Bảo vệ người tiêu dùng/vcca.gov.vn

https://nguoitieudung.vn/tieu-dung-mua-covid-19-an-toan-khi-tiep-nhan-su-dung-thong-tin-d56777.html

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

DOANH NGHIỆP QUẢNG CÁO
ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN
Liên hệ tư vấn
0913.797.099
Thời gian làm việc
8:00AM - 18:00 PM

TRANG TIN ĐIỆN TỬ NGÀY MỚI 24H
- Trưởng Ban Biên tập: Luật sư Vũ Xuân Lâm 
- Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn An
- Phụ trách Truyền thông: BTV An Bình 
- Hotline: 0923409779
- Phụ trách kỹ thuật: Thạc sĩ Quốc Trường
- Giấy phép số 36/GP-TTĐT do Sở Thông Tin và Truyền Thông TP.Hồ Chí Minh cấp ngày 30/05/2019.

Bản quyền thuộc NGÀY MỚI 24H MEDIA
- Văn phòng:
 875 Au Co Street, Tan Son Nhi Ward, Dist Tan Phu, Ho Chi Minh City.
- Hỗ trợ quảng cáo: 0923409779 - 0789178799
Email: ngaymoi24h.vn@gmail.com
Ghi rõ nguồn ngaymoi24h.vn khi phát hành lại thông tin.