Kỳ tích Y học: Mổ não khi bệnh nhân vẫn đàn, hát

An Bình

(Ngaymoi24h.vn) - “…Bệnh nhân trải qua cuộc phẫu thuật thần kinh – mổ sọ não trong cảnh hoàn toàn tỉnh táo, có thể giao tiếp với bác sĩ ( BS), thậm chí trong mổ não “tỉnh”, bệnh nhân vẫn có thể đàn, hát. Ở đây có thể gây hiểu lầm, rằng BS muốn “chơi trội”, hay biểu diễn, nhưng không! Bệnh nhân đàn, hát được là để cùng BS kiểm soát trên thực tế, cùng với hướng dẫn của hệ thống Robot trong cuộc mổ mô phỏng đã làm trước đó, đảm bảo chuẩn xác nhất các “vùng chức năng” trong não người bệnh không bị tổn thương. Để sau cuộc mổ, bệnh nhân trở về với cuộc sống khoẻ mạnh với đầy đủ giá trị của nó”

Bác sĩ Phan Văn Báu – Giám đốc BV nhân dân 115 (người đứng thứ 2 cầm hoa từ phải qua trái) trái lên nhận kỷ lục châu Á cho Bệnh viện.

10 năm đi tìm “bác sĩ Robot cứu người”

Tháng 2/2019, Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công ca phẫu thuật u não đầu tiên bằng Robot, mở ra bước đi lịch sử cho BV và ngành y tế Việt Nam vì là trường hợp đầu tiên thực hiện thành công ở châu Á. Tháng 1/2020, BV tiếp tục triển khai phẫu thuật ca đầu tiên xuất huyết não (XHN) bằng mổ tỉnh với hỗ trợ của robot. Hiện, BV đã phẫu thuật thành công 28 ca bằng robot, trong đó có 4 ca XHN  mổ tỉnh.

Bác sĩ Phan Văn Báu – Giám đốc Bệnh viện nhân dân 115 chia sẻ tại Lễ công bố và trao bằng xác lập kỷ lục châu Á cho Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 về các thành tựu phát triển chuyên môn, kỹ thuật y tế vào tháng 5/2020, với mục tiêu ứng dụng công nghệ đột phá trong phẫu thuật Ngoại thần kinh để cứu sống bệnh nhân: Trung tâm đột quỵ - BV Nhân dân 115, mỗi năm cũng có hơn 10.000 lượt người nhập viện liên quan đến đột quỵ. Trong đó, số người bị đột quỵ não chiếm 85% trong các loại đột quỵ và số ca nhập viện tăng đều hàng năm. Nếu như năm 2016 có 10.351 ca thì năm 2017 tăng lên 11.244 trường hợp và và năm 2018 tăng lên 11.787 trường hợp. Trước đây các phương pháp điều trị cấp bị giới hạn do thuốc tiêu sợi huyết trong 4-5 giờ, hay can thiệp mạch máu não lấy huyết khối (thường quy) trong 6 giờ. Từ năm 2018, BV Nhân dân 115 sử dụng phương pháp can thiệp mạch máu não với mục tiêu “mở rộng cửa sổ điều trị” có thể lên tới 24 giờ và mở ra nhiều cơ hội cứu được nhiều bệnh nhân. Bệnh viện đã sử dụng kỹ thuật chuẩn đoán hình ảnh học hiện đại, thực hiện xem xét tình trạng nhu mô não và hệ thống mạch máu não, tiến hành tái thông mạch máu não, giúp bệnh nhân hồi phục tốt, giảm di chứng tàn phế và tử vong. Để có được thành tích đó, từ những năm 2017, 2018, và 2019, Ban Giám đốc BV một mặt chuẩn bị cơ sở vật chất, một mặt cử bác sĩ sang các nước Pháp, Mỹ; trong đó cử BS Chu Tấn Sĩ chịu trách nhiệm chính sang học tại Viện-Trường Audora Medical Center , tại Hoa Kì học tập và tiếp nhận kỹ thuật mổ tỉnh (awake surgery) cho các phẫu thuật viên. Sắp tới các Bệnh viện nhân dân 115 TP. Hồ Chí Minh sẽ tiến hành một ca mổ não tỉnh đặc biệt trên một bệnh nhân vừa tham gia vào ca mổ cùng hợp tác kiểm soát cuộc mổ an toàn với các BS bằng hình thức vừa đàn và hát”.

Riêng với ca phẫu thuật u não đầu tiên cho bệnh nhân 67 tuổi bằng việc ứng dụng Robot Modus V Synative, thầy thuốc ưu tú- Th.S.BS Chu Tấn Sĩ - trưởng khoa Ngoại thần kinh BV Nhân Dân 115, TP. Hồ Chí Minh đang được đồng nghiệp gọi một cách nể phục bằng cái tên “Ngôi sao phẫu thuật thần kinh” hay người có “đôi bàn tay vàng” về Ngoại thần kinh.

Trong ca đầu tiên này, BS Sĩ còn nhớ, nữ bệnh nhân bị khối u chèn ép trong não rất nguy kịch. Nếu không được lấy ra nhanh chóng sẽ tử vong. Ca phẫu thuật tiến hành đúng vào dịp Tết Nguyên đán (tháng 2/2019) khi mà mọi người đang hưởng một cái Tết đoàn viên. Đích thân Ban GĐ BV Nhân dân 115 mời TS A.Kassam từ Viện-Trường Aurora Medical Center ( Hoa Kỳ), tác giả của hệ thống Robot được ứng dụng trong ca mổ qua tham dự. BS Sĩ và ekip đã trải qua rất nhiều áp lực trong ca mổ này. Áp lực của một người học trò được đào tạo, chuyển giao công nghệ từ hệ thống Robot, vừa là một phẫu thuật viên thao tác trên máy trước sự chứng kiến của chính tác giả hệ thống và của người có nhiều kinh nghiệm Quốc tế về Ngoại thần kinh. Khi đi học bên Viện Trường Aurora Medical Center suốt thời gian dài nhưng BS Sĩ cũng mới được mổ trên xác. Lần này mới thực sự mổ trên người sống.

Các bác sĩ người Anh mổ não tỉnh cho một nữ bệnh nhân trong trạng thái bệnh nhân vẫn đánh đàn, chứng tỏ chức năng vận động ở tay đảm bảo khi ca mổ đang diễn ra.

Trong cả mổ BS Sĩ chỉ tập trung cao độ vào công việc. Ông cũng không hề để ý, người thầy A. Kassam của mình đứng ngay sau lưng. Ông tập trung hoàn toàn vào ca mổ với một quyết tâm, chứng tỏ năng lực của những BS Việt Nam không thua kém BS nước ngoài. Ekip cũng không biết Ban GĐ ngồi trên hội trường xem qua màn hình trực tiếp từ phòng mổ. Bệnh nhân mang khối u đính bên phải. Đường kính khoảng 3,5 cm. Dự kiến ca mổ trong 2 tiếng. Thời điểm tiếp cận tới được khối u và lấy ra trọn vẹn cũng chính TS A.Kassam là người chứng kiến đầu tiên. Ngay lập tức ông là người vỗ tay đầu tiên chúc mừng BS Sĩ. Toàn thể phòng mổ khi ấy cũng như trên Hội trường BV theo dõi qua màn hình tường thuật trực tiếp cùng vỗ tay chúc mừng. Ca mổ đã thực hiện xong sớm hơn 30 phút.

Song, để có thành công ấy như BS Chu Tấn Sĩ nói, BS và các cộng sự trong khoa đã trăn trở suốt 10 năm. Xuất phát từ việc chứng kiến nhiều ca mổ thần kinh mà chỉ vì thiếu công nghệ hiện đại, thiết bị mà không cứu được bệnh nhân đã thôi thúc ông và các đồng nghiệp phải tự tìm tòi, học hỏi. Tìm giải pháp tốt hơn cho bệnh nhân.

Bác sĩ Chu Tấn Sĩ cùng các cộng sự dưới sự hỗ trợ của Gíao sư Amin Kassam - phó chủ tịch Viện phát triển thần kinh Aurora (Mỹ) trong một ca mổ thực hành trên xác ứng dụng Robot vào mổ u não.

Có những ca không thể nào quên như trường hợp nam bệnh nhân được đưa vào trong tình trạng bị một lưỡi dao to bản và dài chém sâu làm tách hẳn phần đầu  bệnh nhân làm đôi. Lưỡi dao chạy từ trên đỉnh đầu xuống tới “khẩu cái” của miệng. Dao nằm một phần ở bên trên sọ, một phần dưới nền sọ. Không có thiết bị gì dẫn đường tìm tổn thương trong ca đặc biệt này, lúc đó BS Sĩ đã chỉnh “nhá” đèn soi vào vết thương, nhìn vào tia phản chiếu lại tác động vào lưỡi dao nằm bên trong mà tìm cách lấy lưỡi dao ra. Khi lần sâu bàn tay xuống dưới và kẹp được cái đốc dao, kéo lên từ từ ra ngoài thật hồi hộp. Nếu dao trúng mạch máu lớn thì không có cách gì cầm máu. Rất may, chuyện rủi ro đó không xảy ra và đây được coi là trường hợp được cứu sống ngoạn mục. Ông nói: “Khi ấy trong lòng chúng tôi chỉ trào lên một niềm thương xót bệnh nhân và quyết tâm tìm giải pháp gì để chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân mà thôi”.

Hay trường hợp một cô giáo Anh Văn bị triệu chứng đau miệng nhiều năm mỗi khi mở miệng. Khi vào BV Nhân dân 115, qua kết quả kiểm tra đã phát hiện một xung đột về mạch máu thần kinh. BS Sĩ đã tiến hành ca mổ tách thành công dây thần kinh ra khỏi mạch máu gây tổn thương. Ngay sau mổ cô giáo này đã hết căn bệnh quái ác và trở lại công việc giáo viên trước đây. “Cái cảm giác của người làm nghề khi được chứng kiến thành quả lao động của mình đến ngay được với người bệnh như vậy là hạnh phúc vô cùng! ”. BS Sĩ nói.

Còn vào thời điểm những năm 80-90, khi ngành y tế còn nhiều khó khăn, chuyên khoa phẫu thuật thần kinh là những người trong cuộc khi phải đứng nhiều giờ liền xử trí một ca mổ sọ não, không chỉ gây căng thẳng mà còn cảm thấy “tổn thương” trong lòng. Để tạo phẫu trường cho 1 ca sọ não, BS phải dùng cơ bắp tay và một dụng cụ làm rất thủ công là “cắt” dần từng tí một trên vùng sọ bệnh nhân, lấy xong phần nắp xương sọ hình vòng cung, đường kính khoảng 10 cm thì mỏi nhừ tay. Mổ xong, bệnh nhân lại khuyết mất vùng xương sọ đó. Khi họ tới tái khám, BS nhìn và đều xót xa cho bệnh nhân. Còn nay mổ Robot, vết xâm lấn chỉ là những hố mổ rất nhỏ trên vùng đầu bệnh nhân.

Còn một ca mổ BS Sĩ khó có thể quên, đó là khi xử trí một nam bệnh nhân có khối XHN bên trong, do bị tai nạn, vùng đỉnh đầu của bệnh nhân bị va đập mạnh trúng vào một đoạn động mạch xoang (to như chiếc đũa) gây máu chảy ồ ạt. Không có cách gì cầm máu nhanh được khi ấy là bằng tay của chính BS đứng mổ. Cùng với cộng sự khác phải “dò tìm” xử trí khối xuất huyết bên trong não, nhưng phía bên trên máu cứ chảy ào ạt không cách nào cầm được. Cuộc mổ cũng phải dừng lại vì mất máu quá nhiều. Và ca bệnh trên dĩ nhiên không qua được. “Sau ca mổ này những BS thần kinh như chúng tôi luôn trăn  trở làm gì để không rơi vào tình huống không thể xử trí gì được như vậy!. Rất may kỹ thuật can thiệp trong mổ não ngày càng tốt lên. Có phương tiện làm bộc lộ phẫu trường an toàn hơn, cầm máu được những vùng dù rất khó. Nhiệm vụ đặt ra cho những BS Ngoại thần  kinh là áp dụng kỹ thuật vào từng trường hợp bệnh nhân để điều trị tốt nhất”. BS Sĩ nói.

BS Chu Tấn Sĩ đã cùng các cộng sự dưới sự hỗ trợ của Gíao sư Amin Kassam - phó chủ tịch Viện phát triển thần kinh Aurora (Mỹ) đã sang Viện này học hỏi từ năm 2017. Vào tháng 2-2019 tiến hành ca mổ đầu tiên bằng robot trong mổ sọ não lấy khối u, chính thức xác lập kỷ lục châu Á; tháng 1/2019 tới nay, BS Sĩ cùng ê kíp đã thực hiện được 28 ca phẫu thuật thần kinh thành công. Trong đó có 24 ca là mổ lấy khối u, 4 ca là mổ XHN bằng phương pháp mổ tỉnh.

Mổ não tỉnh: Đỉnh cao của ngành phẫu thuật ngoại thần kinh

Trong 28 ca phẫu thuật thần kinh thành công. Riêng có 4 ca là mổ Xuất huyết não (XHN) bằng phương pháp mổ tỉnh. Thành công này cũng đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ 3 trên Thế giới (sau Mỹ và Thuỵ Sỹ) làm chủ hoàn toàn kỹ thuật mổ não tỉnh bằng hệ thống robot Modus V Synaptive.

Theo như chia sẻ của BS Sĩ và các cộng sự, xuất phát từ tình thương với bệnh nhân, họ chỉ muốn làm điều gì tốt nhất, có lợi nhất cho bệnh nhân. Mổ tỉnh khắc phục những di chứng để lại thường khi áp dụng mổ thần kinh truyền thống ( gây liệt, yếu nửa người, mất chức năng nói). Trong khi, BV Nhân dân 115 tiếp nhận 1 năm từ 3000 tới 5000 trường hợp đột quỵ gây XHN cần can thiệp. Một lượng đông đảo như vậy chắc chắn BV mổ không kịp. Tử vong do XHN lại rất cao nếu không được kịp thời can thiệp. Đây là lý do khiến Ban GĐ BV và các BS ưu tiên việc đưa phương pháp mổ tỉnh vào mổ XHN.

Bà Đặng Thị Yến người thứ 4 được mổ tỉnh XHN ngay sau ca mổ tại phòng hậu phẫu đã có thể tiếp xúc bình thường.

Cũng theo BS Sĩ, trong não con người tập trung các khu vực thần kinh vận động, thần kinh cảm giác, thần kinh ngôn ngữ, thị giác…Bản thân người BS Ngoại thần kinh khi học giải phẫu đã biết vị trí những vùng chức năng này. Nhưng thực chất mắt thường của BS không thể nhìn thấy được. Phương pháp mổ mê hay còn gọi là mổ kinh điển để xử trí các tổn thương trong não bộ của con người dù có được sự hỗ trợ bằng kính vi phẫu, có “địa thế gợi” trong trường mổ, nhưng mọi sự còn rất hạn chế. Khi thực hiện những đường dao “vén não” tìm tới nơi tổn thương nếu “chạm” vùng ngôn ngữ, bệnh nhân sẽ bị câm, chạm vùng thị giác, mắt có thể mù, chạm vùng “cảm giác” là tê tay chân, yếu liệt. BS cũng không thể thấy rõ ràng hình hài thực sự của bó dẫn truyền thần kinh! Tất cả chỉ là trên lý thuyết. Vì trước mắt họ, bộ não người chỉ là một khối trắng đục, đặc như màu của “đậu hũ” vậy!. Mọi nhận định vị trí vùng chức năng hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm, phán đoán khi đưa đường dao mổ đi ngang, dọc để tới đúng vị trí khối u cần xử lý.

Chia sẻ về những “góc khuất” trong chuyên môn trên, giọng BS Chu Tấn Sĩ như trùng hẳn xuống: “Nhiều năm chứng kiến những BN tới với mình sau cuộc mổ thần kinh phải chấp nhận những di chứng nói không rõ, bị tê yếu liệt vùng nào đó trên cơ thể, hay khuôn mặt không còn cân đối do di chứng bắt buộc để lại, lòng mình áy náy, không yên. Mình cũng cảm nhận, mổ xong mà lại méo mặt thì ai mà tiếp tục vui sống được?”.

Đứng trước nhu cầu rất chính đáng này mà ekip các BS khoa Ngoại Thần kinh của BV Nhân dân 115 đã tìm tòi, đọc tài liệu về mổ não tỉnh. Trong lần BS Sĩ trở lại Viện - Trường phát triển thần kinh Aurora (Mỹ), ông cùng BS gây mê là Lưu Kính Khương trong khoa đã đặt quyết tâm cao là phải học cho được kỹ thuật này. Trong đó nhiệm vụ BS Lưu Kính Khương là phải nắm thật nhuần nhuyễn về kỹ thuật gây tê trong mổ tỉnh.

Mổ tỉnh trong phẫu thuật thần kinh theo phân tích của BS Chu Tấn Sĩ có nhiều cái lợi cho bệnh nhân. Mổ tỉnh thì ngoài có Robot dẫn đường nay còn có thêm kiểm soát thực tế từ việc trả lời các y lệnh của bệnh nhân trong cuộc mổ. đó cũng là dẫn chứng thực tế nhất chứng tỏ, phẫu thuật viên đã đi đúng đường, không gây tổn thương vùng chức năng trong não. Thứ nữa, XHN được mổ tỉnh, thời gian rút ngắn chỉ còn nửa tiếng. Thay vì trước là XHN mổ mê phải mò mẫm qua kính vi phẫu, mò mẫm trong phẫu trường có khi 2-3 tiếng mới xong; mổ tỉnh cùng hỗ trợ bằng robot giúp có được thiết bị cầm máu hiệu nghiệm đó là đốt bằng “nhíp lưỡng cực”. Đốt cầm máu truyền thống bằng điện, tia laser, sức nóng sẽ làm “chết” luôn tế bào não nơi đốt; phẫu trường trong mổ Robot rất sâu. “Tay” của robot vào sâu bên trong não tới hơn 10 cm. Đồng thời, ngay khi đưa bệnh nhân ra phòng hồi sức đã tiếp xúc với BS hoàn toàn. Không phải hậu phẫu với nhiều nguy cơ nhiễm trùng BV, thở máy lâu dễ bị viêm phổi.

“Mổ tỉnh có thể được coi là đỉnh cao của mổ thần kinh. Kiểm chứng chính xác nhất các vùng chức năng của não không bị tổn thương. Được chứng kiến cuộc sống vui vẻ, phấn chấn trở lại của bệnh nhân sau mổ thành công, đó là niềm vui nhất, hạnh phúc nhất mà người làm nghề Y được hưởng”. BS Sĩ nói.

Được biết, trong 4 ca mổ não tỉnh lấy XHN qua chụp C -Scan lại cho thấy các tổn thương trong não của các bệnh nhân không còn máu tụ trong não. Cả 4 bệnh nhân có thời gian nằm viện chỉ 4 ngày, đây thực sự là kỳ tích bởi, trước đây mổ kinh điển (gây mê) thì  bệnh nhân có thể nằm cả tháng, phải đối mặt nhiều biến chứng do nằm lâu. Riêng ca bệnh thứ 4 mổ tỉnh là bà Đặng Thị Yến (50 tuổi, ngụ Phú Quốc, Kiên Giang sau) 03 tháng sau được phẫu thuật đã có thể tự sinh hoạt như một người bình thường. Thậm chí còn nhờ con trai quay một đoạn clip gửi các BS cảnh bà đi lại khoẻ khoắn và tự nấu ăn ngon lành trong bếp. Với bệnh bà Yến, trước đây việc phẫu thuật kinh điển với mục tiêu giữ mạng sống cho bệnh nhân là chính.

Tác giả bài viết: An Huyền

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

DOANH NGHIỆP QUẢNG CÁO
ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN
Liên hệ tư vấn
0913.797.099
Thời gian làm việc
8:00AM - 18:00 PM

TRANG TIN ĐIỆN TỬ NGÀY MỚI 24H
- Trưởng Ban Biên tập: Luật sư Vũ Xuân Lâm 
- Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn An
- Phụ trách Truyền thông: BTV An Bình 
- Hotline: 0923409779
- Phụ trách kỹ thuật: Thạc sĩ Quốc Trường
- Giấy phép số 36/GP-TTĐT do Sở Thông Tin và Truyền Thông TP.Hồ Chí Minh cấp ngày 30/05/2019.

Bản quyền thuộc NGÀY MỚI 24H MEDIA
- Văn phòng:
 875 Au Co Street, Tan Son Nhi Ward, Dist Tan Phu, Ho Chi Minh City.
- Hỗ trợ quảng cáo: 0923409779 - 0789178799
Email: ngaymoi24h.vn@gmail.com
Ghi rõ nguồn ngaymoi24h.vn khi phát hành lại thông tin.