Kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, đơn vị, địa phương gắn với tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ

An Bình

(Ngaymoi24h.vn) – Ngày 12-3-2021, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã ký ban hành Đề án 01-ĐA/TU về kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, đơn vị, địa phương gắn với tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý giai đoạn 2021-2025.

Nội dung đề án như sau: 
 
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp trong tỉnh nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nói riêng đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Hầu hết, đội ngũ cán bộ có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, gương mẫu, có ý thức tổ chức kỷ luật, luôn tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực công tác, có uy tín trong đảng bộ và nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
Cơ cấu độ tuổi, giới tính, ngành nghề, lĩnh vực công tác từng bước có sự điều chỉnh hợp lý hơn. Nguồn cán bộ quy hoạch khá dồi dào, cơ bản bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, nữ được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình hành động về đổi mới công tác cán bộ, quan tâm lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ nữ, cán bộ trẻ nhằm tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ, trẻ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
 
Từ năm 2016-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bổ nhiệm, giới thiệu 245 cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh; trong đó, cán bộ nữ chiếm 10,7% và cán bộ trẻ chiếm khoảng 8,2%.
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 338 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý (không bao gồm cán bộ do các ngành Trung ương quản lý trực tiếp); trong đó, có: 45 cán bộ nữ, chiếm 13,3% (sở, ngành, đơn vị trực thuộc tỉnh: 27 đồng chí; cấp huyện: 18 đồng chí), 8 cán bộ trẻ dưới 40 tuổi, chiếm 2,4% (nữ: 2 đồng chí; sở, ngành, đơn vị trực thuộc tỉnh: 7 đồng chí; cấp huyện: 1 đồng chí). Đội ngũ cán bộ được đào tạo chính quy chiếm 70%; còn lại được đào tạo hệ tại chức, chuyên tu và vừa học vừa làm.
 
Về chuyên ngành, lĩnh vực đào tạo: Có 6% được đào tạo về lĩnh vực khoa học tự nhiên, 12% được đào tạo về lĩnh vực khoa học xã hội, 18% được đào tạo về lĩnh vực luật pháp, 25% được đào tạo về lĩnh vực kinh tế, 3% được đào tạo về lĩnh vực chính trị, 11% được đào tạo về lĩnh vực nông nghiệp, 8% được đào tạo về lĩnh vực kỹ thuật, 8% được đào tạo về lĩnh vực quân sự, công an…
 
Tuy nhiên, về tổng thể và thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa mạnh, chất lượng có mặt chưa cao; năng lực, phẩm chất, uy tín của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, chưa phù hợp với cơ cấu ngành nghề và chưa cân đối về lĩnh vực, địa bàn; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ chưa đạt mục tiêu đề ra. Năng lực công tác của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều; còn một số cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường. 

Kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, đơn vị, địa phương gắn với tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại buổi gặp mặt cán bộ nữ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý.

Việc đổi mới công tác cán bộ chưa có đột phá lớn; sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Cán bộ ở không ít cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu năng động, chủ động trong giải quyết công việc; có một số trường hợp cá biệt nói không đi đôi với làm hoặc làm chiếu lệ; có nơi vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu dân chủ, quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân. Công tác luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ từ tỉnh về huyện và từ huyện lên tỉnh; từ khối đảng, đoàn thể sang khối chính quyền và ngược lại còn có mặt hạn chế.
 
Những hạn chế nêu trên xuất phát từ công tác sắp xếp, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có mặt chưa đồng bộ, còn riêng lẻ. Khi khuyết cán bộ lãnh đạo, quản lý, các cơ quan, đơn vị, địa phương đề xuất, xin chủ trương thực hiện quy trình nhân sự để kiện toàn theo từng vị trí cụ thể.
 
Vì vậy, thiếu tính tổng thể, không cân đối được nguồn cán bộ và kiểm soát chất lượng các mặt của đội ngũ cán bộ. Nhiều cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức về xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ; quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ còn mang tính hình thức, chất lượng còn thấp và chưa gắn với nhân sự để đề bạt, bổ nhiệm.
 
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện một số nội dung theo nghị quyết, kết luận của Trung ương chưa quyết liệt; chưa quan tâm đúng mức công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về cán bộ và công tác cán bộ; công tác đánh giá cán bộ vẫn còn có những hạn chế; đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ, chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài. Chưa có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người yếu kém, uy tín thấp, không đủ sức khỏe.
 
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII, Kế hoạch số 86-KH/TU ngày 28-9-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; các quy định của Đảng, Nhà nước về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức; để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, gắn với nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ, tỷ lệ cán bộ trẻ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 9-12-2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, đơn vị, địa phương gắn với tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, như sau:
 
Phần I
MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM
 
I- Mục tiêu
 
1- Xây dựng tổng thể đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các sở, ngành, đơn vị, địa phương thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đủ số lượng, có chất lượng, cơ cấu phù hợp, bảo đảm năng lực, trình độ, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh trong thời kỳ mới.  
 
2- Kịp thời chuẩn bị nguồn nhân sự và lựa chọn cán bộ có năng lực thực sự nổi trội, có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, có uy tín cao trong cơ quan, đơn vị; đồng thời, có tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chuẩn bị một bước nguồn nhân sự cấp ủy tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030, bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn và tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ theo  các nghị quyết của Trung ương.
 
3- Góp phần thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan trong việc lựa chọn cán bộ; thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Ngăn ngừa những hành vi, biểu hiện tiêu cực trong lựa chọn nhân sự; phát huy dân chủ trong việc giám sát đối với cán bộ và công tác cán bộ.
 
4- Giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận xét, đánh giá, lựa chọn nguồn cán bộ toàn diện hơn, kỹ hơn, chính xác hơn, khắc phục mặt hạn chế, yếu kém trong công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
 
II- Quan điểm
 
1- Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị.
 
Lãnh đạo tập trung, thống nhất; thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài; bảo đảm sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ chuyên môn, năng lực công tác, có uy tín, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao.
 
2- Bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, cấp ủy, tổ chức đảng, của người đứng đầu các cấp trong quá trình chuẩn bị nhân sự. Phải xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính; giữa đức và tài, trong đó đức là gốc; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể.
 
3- Việc kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn chức danh; thực hiện quy trình theo quy định, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, phù hợp với năng lực, sở trường công tác, chuyên ngành đào tạo và có khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
 
4- Cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử thực sự là những đồng chí tiên phong, gương mẫu, có tính xây dựng, tính kỷ luật cao, vì lợi ích của tập thể; có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực nổi trội và có uy tín; có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm; có khả năng quy tụ, đoàn kết và huy động sức mạnh tổng hợp; không quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công.
 
5- Phải thực hiện bảo đảm đạt tỷ lệ cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ tham gia cấp ủy, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định của Bộ Chính trị và các nghị quyết Trung ương về cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
 
6- Công tác nhân sự phải được thực hiện có lộ trình từ nay cho đến Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030, tiến hành một cách khoa học, khách quan, theo phương châm: làm từng bước, thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các cơ quan tham mưu và cá nhân có liên quan trong việc đề xuất, thẩm định, thẩm tra, kết luận những nội dung liên quan đến nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử.
 
Phần II
PHƯƠNG HƯỚNG KIỆN TOÀN CÁN BỘ DIỆN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY QUẢN LÝ NĂM 2021 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
 
I.  Tổng quan về tổ chức bộ máy và khung số lượng cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý
 
Toàn tỉnh hiện có 58 cơ quan, đơn vị; trong đó:
 
– Các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, có 6 cơ quan; có 6 cấp trưởng và không quá 15 cấp phó; ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy có 5 ủy viên chuyên trách.
 
– Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy, có 3 đơn vị; có 2 cấp trưởng, 5 cấp phó, 1 cấp phó thường trực chuyên trách.
 
– Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội, có 6 cơ quan; có 6cấp trưởng và không quá 15 cấp phó.
 
– Văn phòng và các ban của HĐND tỉnh, có 4 cơ quan; có 1 cấp trưởng và 8 cấp phó.
 
– Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có 21 cơ quan, đơn vị; có 21 cấp trưởng và 63 cấp phó; chia ra theo khối:
 
+ Các cơ quan khối các ngành kinh tế: 10 cơ quan; có 10 cấp trưởng và 30 cấp phó;
 
+ Các cơ quan khối văn hóa, xã hội: 9 cơ quan; có 9 cấp trưởng và 27 cấp phó;
 
+ Các cơ quan khối Nội chính: 2 cơ quan; có 2 cấp trưởng và 6 cấp phó.
 
– Các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh: 8 đơn vị, có 8 cấp trưởng và 18 cấp phó
 
– Các huyện, thị xã, thành phố và đảng bộ Khối trực thuộc Tỉnh ủy, có 10 đơn vị; có 10 bí thư, 20 phó bí thư, 8 phó chủ tịch HĐND, 19 phó chủ tịch UBND và 51 ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương (không bao gồm ủy viên ban thường vụ là chỉ huy trưởng quân sự và trưởng công an cấp huyện).
 
II- Phương hướng kiện toàn cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý năm 2021 và những năm tiếp theo
 
1- Không nhất thiết các sở, ban, ngành đều phải có 3 cán bộ cấp phó. Tùy theo tình hình cụ thể, ngành, lĩnh vực cần có sự tập trung chỉ đạo để giải quyết công việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét, quyết định cán bộ lãnh đạo cấp phó các cơ tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh và các sở, ngành cụ thể từ 2 đến 4 cấp phó; nhưng phải bảo đảm số lượng lãnh đạo cấp phó theo Quy định số 04-QĐi/TW ngày 25-7-2018, Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30-12-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14-9-2020 của Chính phủ.
 
2- Công tác chuẩn bị nhân sự phải được xử lý hài hòa, hợp lý giữa điều kiện tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa kế thừa, ổn định và đổi mới, phát triển; giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, năng lực, kinh nghiệm công tác. Trong đó, đặc biệt đề cao chất lượng, hiệu quả công tác; bảo đảm phù hợp về chuyên môn, cơ cấu, độ tuổi, giới tính, vùng miền… nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
 
Về trình độ chuyên môn: phải có trình độ chuyên môn phù hợp; riêng đối với các ngành có chuyên môn sâu như: y tế, giáo dục, quy hoạch, xây dựng, giao thông vận tải, thông tin truyền thông… phải được bố trí đúng chuyên môn hoặc có chuyên môn gần với nhiệm vụ của ngành; coi trọng trình độ đào tạo đồng thời với năng lực thực tiễn; ưu tiên đào tạo chính quy, tập trung, nhất là đối với cán bộ trẻ.
 
Trường hợp tại chỗ nhân sự chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện để giới thiệu bổ nhiệm thì có thể điều động cán bộ có trình độ chuyên môn phù hợp, có năng lực và kinh nghiệm công tác từ nơi khác đến.
 
3- Quan tâm chú ý đến cán bộ trẻ dưới 40 tuổi và cán bộ nữ có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học chính quy, đang giữ chức vụ ủy viên ban thường vụ, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND cấp huyện và cán bộ đang giữ cấp trưởng các phòng, ban, chuyên môn cấp tỉnh có đủ tiêu chuẩn chức danh, có chiều hướng phát triển, để sắp xếp, bố trí vào vị trí giữ chức vụ cao hơn trên cơ sở thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo quy định, được tín nhiệm cao, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan.
 
4- Phấn đấu hằng năm số cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt khoảng 15% đối với cán bộ nữ và đạt khoảng 15% đối với cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi); để đến năm 2025, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy tỉnh đạt không dưới 15% và cán bộ trẻ không dưới 10%. Đối với các cơ quan, đơn vị có trên 30% cán bộ, công chức, viên chức là nữ thì phải có cán bộ nữ giữ các chức vụ ở các cấp. Trường hợp chưa chuẩn bị được cán bộ trẻ, cán bộ nữ thì để khuyết vị trí để tạo nguồn bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự bầu cử là cán bộ trẻ, cán bộ nữ.
 
5- Việc luân chuyển cán bộ phải có kế hoạch cụ thể về đối tượng luân chuyển, nơi luân chuyển đến và phương án bố trí công tác sau luân chuyển. Thực hiện việc phân công, điều động, luân chuyển một số cán bộ cơ quan đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội sang công tác tại cơ quan chính quyền và ngược lại. Tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương. Trước mắt, có phương án để bố trí công tác đối với cán bộ luân chuyển hoàn thành nhiệm vụ và thời gian luân chuyển.
 
6- Lựa chọn một số cán bộ là cấp phó trưởng phòng và chuyên viên các phòng, ban trực thuộc các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, được đào tạo chính quy, từ 35 tuổi trở xuống, có quy hoạch các chức danh trưởng phòng, phó phòng và tương đương để điều động, bổ nhiệm có thời hạn giữ chức trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương các phòng, ban cấp huyện để đào tạo, rèn luyện và tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh.
 
7- Trong quá trình chuẩn bị nhân sự, đối với những nhân sự còn có ý kiến khác nhau hoặc có vấn đề cần phải thẩm tra, xác minh làm rõ, kết luận thì phải quan tâm đến những ý kiến tham gia của các cơ quan chức năng, người có trách nhiệm và có cơ chế phối hợp thẩm định, rà soát kỹ lưỡng.
 
8- Cơ cấu lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương phải bảo đảm 3 độ tuổi; các độ tuổi giản cách 5 năm. Phấn đấu 65% cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu bầu giữ chức vụ cấp trưởng lần đầu đủ tuổi công tác từ 2 nhiệm kỳ trở lên; 65% cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu giữ chức vụ cấp phó lần đầu đủ tuổi công tác từ 3 nhiệm kỳ trở lên.
 
9- Trước mắt, ưu tiên kiện toàn một số chức danh cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị còn khuyết số lượng để bảo đảm điều hành, hoạt động của cơ quan, đơn vị. Tiến hành thí điểm việc bổ nhiệm cán bộ thông qua thi tuyển hoặc báo cáo chương trình hành động của cá nhân để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét quyết định.
 
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
 
1- Thời gian thực hiện nội dung của Đề án này là từ nay cho đến trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030; trong đó, sẽ thực hiện theo lộ trình cụ thể từng năm, từng thời điểm thích hợp.
 
2- Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị cấp tỉnh; ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy Khối trực thuộc Tỉnh ủy căn cứ nội dung của Đề án, xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện ở cơ quan, đơn vị, địa phương của mình.
 
3- Giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổng hợp số lượng, nhu cầu cán bộ cần được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến triển khai thực hiện.
 
4- Giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, căn cứ Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14-9-2020 của Chính phủ, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về số lượng cấp phó của từng cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trước khi ban hành quy định tổ chức bộ máy, biên chế của các cơ quan chuyên môn và chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu việc điều động, bổ nhiệm có thời hạn cán bộ, công chức các sở, ngành cấp tỉnh giữ chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng cấp huyện theo Đề án này.
 
5- Các huyện, thị xã, thành phố tiếp nhận 1 đến 2 cán bộ, công chức các sở, ban, ngành cấp tỉnh để bố trí giữ chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng cấp huyện để đào tạo cán bộ dự nguồn của tỉnh.
 
6- Trước mắt, căn cứ đề xuất kiện toàn đội ngũ cán bộ của các sở, ban, ngành, địa phương, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp số lượng, nhu cầu để sắp xếp, kiện toàn và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến để kịp thời triển khai thực hiện.
 
7- Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức của cấp ủy các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; đồng thời, thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có biểu hiện, hành vi và việc làm không đúng nguyên tắc, thiếu tính xây dựng, không minh bạch, khách quan hoặc đưa những thông tin bịa đặt, không đúng sự thật, thiếu chính xác, chưa được xác minh, kết luận liên quan đến nhân sự và công tác nhân sự. Đồng thời, đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn tung tin gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, tác động đến nhân sự.
 
Trên đây là Đề án kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp sở, ngành, đơn vị, địa phương gắn với tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Trong quá thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Theo Linh Giang/ baoquangbinh

https://baoquangbinh.vn/chinh-tri/202103/kien-toan-doi-ngu-can-bo-lanh-dao-quan-ly-cap-so-nganh-don-vi-dia-phuong-gan-voi-tao-nguon-can-bo-nu-can-bo-tre-2186569/

 

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

DOANH NGHIỆP QUẢNG CÁO
ĐƠN VỊ CHỦ QUẢN
Liên hệ tư vấn
0913.797.099
Thời gian làm việc
8:00AM - 18:00 PM

TRANG TIN ĐIỆN TỬ NGÀY MỚI 24H
- Trưởng Ban Biên tập: Luật sư Vũ Xuân Lâm 
- Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn An
- Phụ trách Truyền thông: BTV An Bình 
- Hotline: 0923409779
- Phụ trách kỹ thuật: Thạc sĩ Quốc Trường
- Giấy phép số 36/GP-TTĐT do Sở Thông Tin và Truyền Thông TP.Hồ Chí Minh cấp ngày 30/05/2019.

Bản quyền thuộc NGÀY MỚI 24H MEDIA
- Văn phòng:
 875 Au Co Street, Tan Son Nhi Ward, Dist Tan Phu, Ho Chi Minh City.
- Hỗ trợ quảng cáo: 0923409779 - 0789178799
Email: ngaymoi24h.vn@gmail.com
Ghi rõ nguồn ngaymoi24h.vn khi phát hành lại thông tin.