(Ngaymoi24h.vn) - Ngọn núi Chà Bang có chiều cao hơn 430 mét thuộc địa bàn xã Phước Nam, huyện Thuận Nam. Ít ai ngờ ngọn núi đá tưởng chừng khô khốc ấy lưu giữ trong lòng nhiều huyền thoại gắn liền với đời sống tâm linh đồng bào dân tộc Chăm. Ngôi chùa cổ Trà Cang với lịch sử hình thành gần 200 năm tuổi trở thành điểm đến của du khách gần xa thưởng ngoạn vẻ đẹp riêng có của một vùng non xanh cỏ biếc.
Cách trung tâm Thành Phố Phan Rang 18km, đi theo con đường Quốc lộ 1A, đến địa phận Cầu Cát Giang, thuộc Thôn Nho Lâm, Du khách sẽ gặp bảng hướng dẫn đường đi lên Chùa Trà Cang. Xưa kia người nhân gian thường gọi Chùa Chà Bang phát âm theo thổ âm của người Chăm. Chà Bang là câu truyện truyền thuyết kể về Nai Tang Ya- cô gái Chăm vì không chấp nhận cuộc hôn nhân ngoại tộc đã bỏ làng lên núi đi tu, người chồng (Gia Rai ) vì không tìm được nàng nên tức giận giương cung bắn thẳng vào núi, làm đỉnh núi tách ra như cây chảng hai (người Chăm gọi là Chà Bang) từ đó tên núi được gọi là Chà Bang.
Tổ đình Trà Cang thạch tự nằm dưới dãy núi Chà Bang trùng trùng điệp điệp đã không còn xa lạ với người dân và phật tử khắp nơi trong tỉnh Ninh Thuận, đối với khách thập phương Chà Bang là ngọn núi linh thiêng, hiền hòa và ấm áp cùng rừng cây cháy nắng Phan Rang. Khi du khách áp mình vào tảng đá Chà Bang nắng Phan Rang sẽ tan chảy như tảng băng khổng lồ chỉ trong một sát na, thay vào đó là dòng nước mát trong tựa làn sương mong manh áp trên mặt lá vào buổi sáng mai, với dáng chùa ẩn mình bên những vách núi cheo leo tạo nên bức tranh có bố cục hài hòa, có cảnh sắc thơ mộng hữu tình.
Chánh điện của Chùa nằm dưới một tảng đá kiên cố vững chắc tưởng chừng như không có một sức mạnh nào có thể công phá được. Hình ảnh tảng đá ôm lấy Chánh điện mường tượng như người con ôm lấy mẹ hiền sau bao ngày xa cách nhớ thương.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TỔ ĐÌNH TRÀ CANG TỰ
Vào năm 1835 trên đường hoằng hóa từ đất tổ Phú Yên, Tổ Sư Húy Hải Bình- Thượng Bảo Hạ Tạng Ngài thuộc thế hệ thứ 40 của phái thiền Lâm Tế, chi phái Liễu Quán. Sau thời gian tu học tại Chùa Bát Nhã ( Phú Yên ) Ngài đã lãnh hội được yếu chỉ Thiền Tôn từ ở Hòa Thượng Tánh Không Giác Ngộ, là Bổn Sư của Ngài, Tổ Sư Bảo Tạng cùng hai Sư Huynh của mình là Thiền Sư Bảo Thanh và Bảo Chơn phát nguyện vân du hoằng hóa về phương Nam. Trong khi hai sư huynh Bảo Thanh và Bảo Chơn vào hoằng hóa ở vùng Đồng Nai thì Tổ sư Bảo Tạng dừng chân ở đất Phan Rang, nhìn thấy núi Chà Bang có linh khí Ngài đến vùng núi này tìm hang tu thiền định và khai sơn ra Chùa Trà Cang, khai cơ tạo tự một vài nơi trong tỉnh, chẳng hạn như Chùa Linh Sơn Cà Đú, Chùa Tây Hồ…vv lúc bấy giờ là vào năm 1836.
Sau đó Tổ tiếp tục đi vào hướng nam hoằng hóa độ mê, cuối cùng viên tịch tại Chùa Ngọc Tuyền ở trên núi Châu Viên, ( thuộc huyện Long Đất – Bà Rịa Vũng Tàu ). Ngài đã hy sinh cho đạo pháp dân tộc, đóng góp công sức vĩ đại để duy trì chánh pháp truyền đăng tục diệm mãi mãi về sau.
Núi Trà Cang với phong cảnh đẹp và hoang sơ
Tổ Đình Trà Cang từ đó được khai sơn và lần lược trải qua các đời Tổ kế truyền như sau:
Năm 1837 Tổ sư Húy Thanh Trúc – Thượng Vạn Hạ Phúc kế nghiệp lúc này vùng đất rất hoang vắng phật pháp chưa được phổ cập rộng rãi, do đó Ngài ẩn mình tu hành cho đến khi mãn duyên. Đến năm 1860 truyền thừa xuống Tổ Húy Trừng Hoa, Thượng Châu Hạ Long – Ngài là người Thiên Trúc có duyên sang Việt Nam và đi đến núi Chà Bang tu thiền, cuộc đời của Ngài ít du phương truyền đạo là bởi thời điểm chưa thích hợp vì vậy mà Ngài mai danh ẩn tích đến ngày 11 – 11 1890 Ngài viên tịch.
Năm 1890 Tổ sư Húy Tâm Minh – Thượng Trí Hạ Thành tiếp nối mạng mạch, Vị Tổ này có nhiều điểm đặc biệt nổi bật, sự hoằng hóa của Ngài rất màu nhiệm cảm hóa đến muôn loài, trong cuộc đời của Ngài có Bạch Hổ và Hắc Hổ đến quy y với Ngài, sự triển khai đạo pháp của Ngài vang dội khắp nơi, Ngài không những truyền trì diệu lý của phật Đà cho chúng sanh thấu hiểu, và con dung phương tiện Y phương minh để cứu khổ cứu nạn trị bịnh nhân dân… trong thời điểm này vào năm 1939 nhân duyên ly kỳ hội ngộ giữa hai phái, Lâm Tế Chánh Tôn và Lâm Tế Gia Phổ được sáp nhập.
Lúc bấy giờ ở cầu số 7 theo đường QL1A hướng về Thành Phố Hồ Chí Minh, khoảng 7 km ( hiện nay là Quán Thể 1 – xã Phước Minh – huyện Thuận Nam – tỉnh Ninh Thuận ) có một nông trại, thường gọi là trại Bồ Đề, chủ nông trại ấy là một vị Thiền sư đã đắc đạo. Danh hiệu của Ngài là, Húy Như Nhiếp – Thượng TÂM Hạ NGHIÊM, nối dòng thiền Lâm Tế Gia Phổ, bài kệ của dòng phái này như sau, ( Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên. Minh Như Hồng Ngọc Lệ Trung Thiên…vv ) Ngài Như Nhiếp Trú trì tại Chùa Linh Thành, ở Thất Sơn Tà Lơn Miền Tây Nam Bộ. Ngài là bậc tu chứng , sự hoằng hóa của Ngài thật là ly kỳ, thiên biến vạn hóa, Ngài có duyên với nhân dân ở vùng đất Phan Rang, trong thời điểm đó ai ai cũng ngưỡng mộ hướng đến Ngài để thọ giáo. Một hôm nọ Tổ Như Nhiếp sang núi Chà Bang Chùa Trà Cang để diện kiến Tổ Tâm Minh sau khi gặp nhau hai Ngài đàm đạo thánh thoát. Nơi đây chúng ta không thể dùng ngôn từ bút mực để diễn tả được.
Sang năm 1940 tại Chùa Giữa (Chùa nằm giữa dãy Núi Chà Bang) tổ chức 3 ngày hội cổ để đánh dấu giữa Phái Lâm Tế Chánh Tôn và hệ Phái Lâm Tế Gia Phổ hợp lại một mối, và từ đó lấy dòng Lâm Tế Gia Phổ Truyền thừa.
Đến đầu năm 1954 truyền thừa xuống cho Hòa Thượng, Húy Thiện Hữu – Thượng THANH Hạ HÒA, Ngài Thanh Hòa tiếp bước theo mà tổ đã giao phó, sự truyền đạo lúc này thật là khó khăn, bởi vì đất nước đang trong thời chiến tranh loạn lạc thì phật pháp theo đó mà chịu ảnh hưởng. Do vậy mà không thể phát triển rộng rãi được, vào nằm 1972 Ngài viện tịch.
Năm 1972 truyền xuống cho Hòa Thượng, Húy Hống Tán – Thượng Từ Hạ Huệ. Ngài Từ Huệ sau khi nhận sứ mệnh của Tổ giao tiếp dẫn hậu lai… Hòa Thượng Từ Huệ ( thường gọi là Thầy Hai ) cuộc đời Ngài rất là gian truân, sự sống còn như chỉ mành treo chuông, vì lúc đó chiến tranh ác liệt nhất là ở vùng núi Chà Bang thường xảy ra chiến cuộc, mà Ngài không nao núng và không thối chuyển tâm tư trước sự mưa tên bảo đạn trong thời kỳ chiến loạn, Ngài quyết tâm duy trì mạng mạch của Tổ Tổ tương truyền và tạo lập phương tiện để độ đời, Ngài để lại những công trình sáng tạo như hai Đài Quan Âm cát được xây dựng trên những tảng đá chênh vênh sự kết cấu thật là hài hòa trang nghiêm, kế đến là Ngài phá thạch tạo tự, là Chánh điện hang đá hiện nay, và dãy nhà tăng, nhìn chung trong cuộc đời Ngài đã hy sinh cho đạo pháp và dân tộc không nhỏ, vào ngày mùng 4 tháng giêng năm 2002 Hòa Thượng Từ Huệ viên tịch.
Năm 2002 Đại Đức Húy Nhựt Hiếu – Thượng Tánh Hạ Hạnh tiếp nối tiền đồ của Tổ thầy, đến đời trụ trì hiện nay Đại Đức Thích Tánh Hạnh với trách nhiệm hoằng dương chánh pháp lợi lạc quần sanh, mở ra nhiều bước ngoặc mới, Đại Đức là người biết thức thời linh động trong xu hướng thay đổi mới, kiến lập ra những công trình trọng tâm để phục vụ cho đạo pháp ngày thêm thịnh vượng. Những hạn mục của Đại Đức Tánh Hạnh kiến lập như sau:
Vào ngày 17 – 07 năm 2005 đưa nước và kéo điện vào 2 Chùa, Chùa trung (thường gọi là Chùa Giữa trụ ở lưng chừng núi, nơi này là cho Chúng Ni tu tập, và Chùa dưới chân núi. Xây dựng dãy nhà Ni vào ngày 04/ 06/ 2004, kiến lập vườn Lâm Tỳ Ni và vườn Lộc Uyển hoàn thành ngày 08/ 05/ 2005, nhà Tăng đường xây dựng ngày 17/ 08/ 2008, cổng Tam Quan được xây dựng 19/ 02/ 2012, hai tượng Kim Cang 3,5m được khởi công ngày 12/ 09/ 2012, nhà Vãng Sanh xây dựng ngày 02/ 11/ 2012 làm nơi tu tập chủ nhật hàng tuần, phía trong cổng Tam Quan cách 10m ngày 19/ 03/ 2013 kiến lập đại tượng Di Lặc ngồi 3,5m
Ngày 02/ 03/ 2013 thành lập Tuệ Tĩnh đường từ thiện, đây cũng là tâm nguyện được ấp ủ bao ngày của thầy Trụ trì, trên hành trình hóa độ chúng sanh, cứu giúp dân nghèo trong vùng phần nào giảm thiểu nổi
Xưa kia núi Chà Bang hùng vĩ nhưng hoang sơ hẻo lánh ít khách hành hương, nhưng giờ đây trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua nhiều đời Trụ trì, trong thời điểm này phật tử thường đến tu tập nhiều hơn cũng từ đó, Chùa được trùng tu và nâng cấp nhiều lần. Đến nay Trà Cang Tự đã được cải thiện nhiều mặt trong đời sống tâm linh giúp đại chúng có điều kiện tinh tấn tu tập tốt trên vùng đất thiêng này.
Các vị Tổ Sư, đã quên mình cho đạo pháp và dân tộc, đem sự an lạc và hạnhphúc cho nhân sinh, quý Ngài thật đáng là Sứ Giả của Như Lai, tác Như Lai xứ, hành Như Lai sự. Cuộc đời quý Ngài đến rồi đi theo định luật vô thường, nhưng hoa kỳ cỏ lạ còn lưu mãi cho đời, cũng như chánh pháp của phật đà vẫn trường tồn mãi mãi cho hàng hậu thế tiếp nối, đem đến cho nhân loại nguồn ánh sáng vô biên sau bao đêm dài tăm tối trong cõi đời giả tạm.
Trải qua gần 200 năm tồn tại và phát triển Tổ Đình Trà Cang Tự là một địa danh du lịch tâm linh của bà con phật tử trong tỉnh và ngoài tỉnh trở về đây để tham quan và chiêm bái.
Đại Đức Thích Tánh Hạnh – Trụ trì Tổ Đình Trà Cang hiện nay
Địa chỉ để du khách tìm đến:
Chùa Trà Cang: Thôn Nho Lâm – Xã Phước Nam – Huyện Thuận Nam – Tỉnh Ninh Thuận
TÂM HOÀNG – THANH NHÀN
BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP
- Trưởng Ban Biên tập: Ông Đinh Văn Hiệp
- Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Văn An
- Phụ trách Truyền thông: BTV An Bình
- Hotline: 0936.393.949 - 0923.409.779
- Phụ trách kỹ thuật: Thạc sĩ Quốc Trường
- Giấy phép số 36/GP-TTĐT do Sở TT&TT TP.Hồ Chí Minh cấp.